Vài năm trở lại đây, giới công nghệ đang hứng thú với một thiết bị không chỉ dùng để phát nhạc mà còn hỗ trợ nhiều tính năng đa nhiệm khác gọi là loa thông minh. Vậy loa thông minh thực sự là gì, tại sao nhiều hãng công nghệ nổi tiếng đồng loạt sản xuất? Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé !
Loa thông minh là một loại loa không dây và thiết bị kích hoạt/điều khiển bằng giọng nói với một trợ lý ảo được tích hợp bên trong có khả năng tương tác và hỗ trợ người sử dụng.
Nó hoạt động như một thiết bị thông minh sử dụng WiFi, Bluetooth và các giao thức khác để mở rộng tính năng của mình ngoài việc phát âm thanh, có khả năng tương thích trên một số dịch vụ nền tảng, kết nối mạng ngang hàng (P2P) thông qua WiFi Mesh, trợ lý ảo,…
Mỗi loại có thể có giao diện riêng và các tính năng nội bộ, thường được khởi chạy hoặc điều khiển thông qua ứng dụng hoặc phần mềm tự động hóa gia đình.
Loa thông minh chủ yếu được sử dụng để nghe nhạc, radio, phát tin tức qua WiFi, Bluetooth hay thực hiện như một người trợ lý giúp nhắc nhở công việc, đặt lịch hẹn, báo thức, dự báo thời tiết, tra cứu thông tin. Mới đây, thiết bị loa thông minh này còn cho phép người sử dụng thực hiện các cuộc gọi, gửi tin nhắn, thậm chí là mua sắm online.
Sản phẩm ra đời với mục tiêu giảm bớt các công việc hàng ngày của con người, bạn có thể sử dụng nó như là thiết bị trung tâm của toàn bộ ngôi nhà thông minh. Nó có thể kết nối và điều khiển nhiều loại thiết bị thông minh khác trong nhà, phổ biến là hệ thống đèn, bộ điều chỉnh nhiệt độ, khóa thông minh, hệ thống an ninh, TV,…
Chìa khóa chính trong cách thức hoạt động của loa thông minh đó là công nghệ nhận dạng giọng nói được sử dụng. Công nghệ này giúp loa thông minh hiểu được những gì con người nói và hành động theo.
Những nhà sản xuất khác nhau sẽ sử dụng hệ thống nhận diện giọng nói và từ khóa “đánh thức” khác nhau cho sản phẩm của mình như “Hey Siri” – Apple, “Alexa” – Amazon và “Ok Google” – Google.
Khi nghe thấy từ khóa, loa thông minh sẽ kích hoạt. Sau đó nó bắt đầu ghi âm lại những gì nghe được và gửi cho trung tâm xử lý chính. Hệ thống sẽ giải mã, nhận diện giọng nói và phản hồi trở lại loa thông qua hệ thống IoT. Tất cả các quá trình này được xử lý rất nhanh.
Trung tâm xử lý giọng nói sử dụng một loạt các thuật toán để hệ thống học những từ ngữ mà bạn dùng. Bạn càng tương tác nhiều, trợ lý ảo càng trở nên hiệu quả hơn trong việc cảm nhận giọng của bạn và mang lại kết quả chính xác.
Một trong những vấn đề mà nhiều người lo lắng khi sử dụng loa thông minh chính là khả năng bảo mật dữ liệu và tính riêng tư.
Mọi người có thể trở thành nạn nhân của việc hack giọng nói. Điều này liên quan đến việc ghi âm hoặc bắt chước giọng nói của người dùng và sau đó chiếm đoạt tài khoản của họ.
Các nhà sản xuất khẳng định rằng thiết bị của họ sẽ không ghi âm cuộc trò chuyện khi người dùng không sử dụng và những bản ghi ấy đều được mã hóa dữ liệu để bên thứ ba không thể tiếp cận. Tuy nhiên, trên thực tế, từng có vụ việc cảnh sát cố gắng sử dụng bản ghi âm của Echo như là một bằng chứng trong phiên tòa.
Để đảm bảo tính bảo mật, giúp người sử dụng giảm bớt lo lắng, Google và Amazon cũng đã thiết kế các nút tắt tiếng trên sản phẩm của mình. Còn về phía Apple thì chưa tiết lộ cách tắt tiếng của HomePod.
Amazon Echo Gen 4 là loa thông minh mới nhất của Amazon vừa ra mắt năm 2020. Sử dụng trợ lý ảo Amazon Alexa.
Với thiết kế mới đã khiến Amazon Echo Gen 4 thay đổi hoàn toàn so với giao diện truyền thống là một chiếc loa hình trụ với lớp vải bọc bên ngoài. Loa thông minh mới của Amazon có dạng hình cầu trông khá lạ mắt, với một nửa được bao bọc bởi lớp vải quen thuộc, nửa còn lại được làm bằng nhựa. Có một vòng tròn phát sáng bên dưới loa, tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Đây là điều khá quen thuộc và trở thành điểm đặc trưng của các loa thông minh do Amazon sản xuất.
Echo Gen 4 có loa tweeter kép 0.8inch và loa trầm 3.0inch cùng vi xử lý Dolby Audio mang đến âm thanh nổi, tự động thích ứng với mọi căn phòng. Tích hợp thêm chip Amazon AZ1 Neural Edge, khiến mức tiêu thụ điện năng của sản phẩm ít hơn 20 lần, đồng thời nâng cao khả năng xử lý giọng nói nhanh gấp 2 lần.
Echo Gen 4 sử dụng sóng Zigbee, ngoài ra nó còn hỗ trợ Bluetooth Low Energy (BLE) và Amazon Sidewalk. Điều này khiến loa thông minh mới có thể kết nối nhiều thiết bị với phạm vi xa hơn. Tạo nên sự ổn định trong quá trình liên kết thiết bị dù WiFi của bạn gặp sự cố.
Sonos là thương hiệu âm thanh khá quen thuộc trong nhiều danh sách xếp hạng loa thông minh tốt nhất hiện nay, là đối thủ cạnh tranh với các dòng loa thông minh khác như Amazon Echo, Google Home.
Sonos One Gen 2 là tên gọi của phiên bản nâng cấp của chiếc loa Sonos One. Thế hệ thứ 2 có thiết kế không đổi so với thế hệ nhưng chất lượng âm thanh cải thiện hơn. Đồng thời được trang bị vi xử lý tốc độ cao hơn cũng như có nhiều bộ nhớ đệm. Bluetooth Low Energy (BLE) lần đầu tiên được Sonos trang bị trên sản phẩm của mình giúp kết nối giữa loa và thiết bị nhanh chóng hơn.
Sonos One Gen 2 cho phép người dùng kết nối với các thiết bị loa khác nhau để thiết lập âm thanh đa phòng với cấu hình âm thanh nổi và âm thanh vòm linh hoạt. Ngoài ra, sản phẩm được tích hợp đồng thời trợ lý ảo Alexa và Google Assistant hay thậm chí là Siri của Apple khi được kết nối tương thích với AirPlay 2.
Google Home Max sử dụng trợ lý ảo Google Assistant là một chiếc loa thông minh được thiết kế để nâng tầm trải nghiệm âm thanh trong ngôi nhà của bạn. Và đúng như tên gọi ‘Tối đa’ và cả kích thước và mức giá của mình mặc dù những tính năng thông minh cũng hoàn toàn giống với chiếc Home và Home Mini, điểm khác biệt lớn nhất là công suất và chất âm.
Home Max có loa trầm kép cho âm trầm sâu và rõ ràng và loa tweeter kép tùy chỉnh cho âm cao trong trẻo. Thiết bị cũng có khả năng điều chỉnh âm thanh một cách độc đáo để phù hợp với âm thanh của căn phòng để có được âm thanh cân bằng nhất.
Home Max vẫn là một loa bình thường sử dụng Google Cast, vì vậy những thiết bị, phần mềm hỗ trợ Google Cast sẽ đều hoạt động được (bao gồm Google Play Music, Spotify, Pandora… nhưng không có Apple Music).
Một điểm cộng dành cho Google là miếng đệm cao su ở mặt dưới của chiếc Home Max giúp làm giảm rung dù cho có để Home Max trên bền mặt nào đi chăng nữa. Các bạn có thể gắn miếng đệm theo chiều dọc hoặc chiều ngang thông qua nam châm.
Khi nói đến các thiết bị loa thông minh có kết hợp các trợ lý ảo sẽ có rất ít sản phẩm có thể tiện lợi để dễ dàng mang theo bên mình. Và JBL Link 20 chính là một chiếc loa hiếm hoi giúp đáp ứng những nhu cầu đó khi được trang bị thời lượng pin và chất lượng âm thanh ổn định. Đồng thời, sản phẩm được tích hợp trợ lý ảo Google Assistant.
Nó được trang bị Google Chromecast, cho phép nó kết nối không chỉ với các loa JBL Link khác mà còn với bất kỳ thiết bị âm thanh nào dựa trên Chromecast để tạo ra thiết lập âm thanh đa phòng (qua mạng WiFi). Ngoài ra, nó cũng trang bị Bluetooth, có khả năng tương thích với nhiều thiết bị khác.
Thiết bị loa có thể phát nhạc từ các dịch vụ âm nhạc (Google Play Music, YouTube Music, Spotify, Pandora và iTunes). Loa JBL Link 20 chỉ có một nhược điểm duy nhất đó là khó có thể chơi những bản nhạc phức tạp với chất lượng tốt nhất. Và chúng còn có thể bị vỡ tiếng nếu bạn chơi ở mức âm lượng lớn.
Apple cũng tung ra sản phẩm loa thông minh với tên HomePod trên thị trường. Với trợ lý ảo Siri quen thuộc sẽ rất dễ dàng cho những tín đồ iFan điều khiển các thiết bị khác thông qua nền tảng nhà thông minh của Apple có tên là HomeKit.
HomePod được xem là chiếc loa thông minh đột phá về chất lượng âm thanh. Có vẻ Apple đã rất đầu tư vào Apple HomePod khi sản phẩm này được nhiều chuyên gia đánh giá có chất lượng âm thanh vượt xa cả Sonos One và Google Home Max.
Nó có thể tự động điều chỉnh chất lượng âm thanh để đảm bảo âm thanh được lan tỏa đều khắp phòng. Ngoài ra, nó cũng có thể kết nối với loa HomePod trong cùng một phòng, hoặc khác phòng thông qua AirPlay.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn có thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và bình an !
Nguồn sưu tầm .